2021 & 2022 & 2023









HOẠT ĐỘNG CSR TỪ NĂM 2021
Tiếp nối hoạt động CSR năm 2020, SVC tiếp tục kết hợp cùng nhóm thiện nguyện Yêu Vùng Cao để lắp đặt thêm hệ thống điện năng lượng mặt trời và thư viện điện tử cho trẻ em vùng miền núi phía Bắc Việt Nam. Giữa SVC và nhóm Yêu Vùng Cao là sợi dây kết nối vô hình. SVC và nhóm Yêu Vùng Cao có chung định hướng thực hiện các hoạt động CSR với chủ đề mang lại các giá trị cho hoạt động giáo dục và giúp xã hội phát triển một cách bền vững. Thêm vào đó, hai trong số năm thành viên chủ chốt của nhóm là những nhân viên của Sato Việt Nam. Chính những yếu tố trên đã gắn kết Sato và Yêu Vùng Cao đồng thời giúp mỗi dự án được thực hiện với nét văn hóa và tinh thần Sato.
Mỗi điểm trường của mỗi dự án đều thuộc các xã đặc biệt nghèo của bà con dân tộc vùng núi. Với địa hình hiểm trở, cách Hà Nội hơn 500km, thời gian và quãng đường di chuyển vô cùng gian nan. Các con đường dẫn đến điểm trường hầu hết là đường đất, trên núi nên chỉ xe máy và đi bộ mới đến được. Cùng với đó, hai năm 2021 và 2022, dịch Covid diễn biến vô cùng phức tạp tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam liên tục ban hành các quy định và hướng dẫn khác nhau nhằm thích nghi với từng diễn biến của dịch. Và để đối ứng, SVC và nhóm Yêu Vùng Cao cũng phải điều chỉnh kế hoạch của mình để tuân thủ với các yêu cầu chống dịch đồng thời đảm bảo an toàn cho các thành viên trong đoàn.
Với tinh thần SATO không từ bỏ, các dự án lần lượt được hoàn thành. Các em nhỏ vô cùng hạnh phúc khi được học dưới mái trường kiên cố hơn, có đủ đèn chiếu sáng, có quạt mát vào mùa hè. Mỗi tiết học cũng trở nên sinh động hơn nhờ những hình ảnh, âm thanh và các câu chuyện từ thư viện điện tử. Với các thành viên SVC nụ cười rạng rỡ của các em, cùng sự phấn trấn hân hoan của các thầy cô khi được dạy trong lớp học mới, cùng trang thiết bị dạy học mới là món quà vô giá tiếp thêm động lực cho chúng tôi trên hành trình “Thắp sáng vùng cao” trong tương lai.
Dưới đây là các dự án lắp đặt hệ thông điện năng lượng mặt trời và thư viện điện tử cho trẻ em vùng miền núi phía Bắc Việt Nam mà SVC đã thực hiện:
- 2020: Điểm trường mầm non bản Làng Mảnh, xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái được hoàn thành ngày 19/07/2020
- 2021: Điểm trường Nậm Nhừ 2, Huổi Lụ 2, xã Nậm Nhừ & xã nà Khoa, huyện Nậm Pồ, tình Điện Biên được hoàn thành ngày 12/12/2021
- 2022: Điểm trường mầm non Dào Cu Nha, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái được hoàn thành ngày 02/12/2022
- 2023: Điểm trường mầm non Bông Sen, xã Túc Đàn, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái được hoàn thành ngày 15/10/2023
2020

Quyên tặng hệ thống điện năng lượng mặt trời và thư viện điện tử cho Trường mầm non Làng mảnh, Xã Sùng Đô, Huyện Văn Chấn, Yên Bái.
Năm 2019, SVC phát động cuộc thi viết Teiho với chủ đề về hoạt động Trách nhiệm xã hội. Công ty đã nhận được rất nhiều ý tưởng và đề xuất hay. Trong đó, nổi bật hơn cả là ý tưởng đoạt giải với nội dung “Xây dựng thư viện điện tử cho trẻ em”. Lý do là ý tưởng này mang ý nghĩa xã hội tích cực và khả năng ứng dụng giải pháp Sato. Lúc đầu, SVC dự định thực hiện dự án này cho một trong các trường tiểu học ở huyện Đông Anh- địa điểm đặt nhà máy SVC. Tuy nhiên phòng Giáo dục huyện Đông Anh đã có ngân sách cho hạng mục này ở từng trường tiểu học trên địa bàn huyện. Tìm hiểu thêm, một số tỉnh vùng cao phía bắc Việt Nam cũng đã được nhận tài trợ tương tự từ các tổ chức phi chính phủ. Vì vậy SVC đã liên hệ với nhóm thiện nguyện “Yêu Vùng Cao” thực hiện hoạt động này ở trường tiểu học Làng Mảnh, thuộc xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Sùng Đô là xã vùng sâu vùng xa của tỉnh Yên Bái. 70% người dân của xã là dân tộc thiểu số nghèo. Đường xá đi lại quá khó khăn nên đến nay Điện Lực Việt Nam vẫn chưa thể lắp lưới điện cung cấp cho xã. Vì vậy, nếu thực hiện dự án thư viện điện tử thì Sùng Đô cần có một hệ thống điện. Cùng nhóm thiện nguyện “Yêu Vùng Cao”, các thành viên Sato đã tính toán chi phí và xây dựng ngân sách cho toàn bộ hoạt động. Cuối tháng 12 năm 2019, SVC phát động phong trào ủng hộ tới toàn thể CNV và kết quả thu được thật khả quan. Số tiền từ các nguồn đóng góp đã đủ để tiến hành dự án, thế nhưng đúng lúc này, dịch Covid-19 lại bùng phát trên thế giới và Việt Nam. Để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho mọi người, hoạt động phải lùi lại đến tháng 7 năm 2020. Theo kế hoạch, ngày 08 tháng 7, thư viện được khánh thành thế nhưng hôm ấy Sùng Đô lại có 1 trận lũ quét. Thật may mắn, cả đoàn đều an toàn. Đến ngày 10 tháng 7 năm 2020, thư viện được chính thức mở cửa. Cuối cùng, sau bao khó khăn và nỗ lực, hệ thống điện năng lượng mặt trời và thư viện điện tử cũng hoàn tất. Từ nay, trẻ em Sùng Đô có thể tiếp cận với nguồn tri thức dồi dào từ khắp nơi trên thế giới. Và chúng tôi cũng hạnh phúc biết bao khi thấy các em say sưa đọc sách, cười đùa vui vẻ bên những trang sách trong thư viện.
2019

Làm vệ sinh các khu vực xung quanh TLIP
Để nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng, vào tháng 6 năm 2019, Công ty TNH KCN Thăng Long (TLIP) đã tổ chức hoạt động làm vệ sinh, phát quang cây cỏ quanh khu vực TLIP. Sau khi tập trung đông đủ tại sảnh TLIP, đại diện của tất cả các công ty trong TLIP đã hồ hởi bắt tay vào công việc dọn dẹp, vệ sinh. Dù mới chỉ hơn 9h sáng, nhưng ai nấy cũng có thể cảm nhận được cái nóng oi ả của cái nắng giữa hè. Nhưng khuôn mặt mỗi người đều hiện lên vẻ rạng rỡ và những nụ cười không tắt bởi với họ đây là hoạt động đầy ý nghĩa cho cộng đồng. Tất cả các thành viên cùng tham gia phát quang bụi rậm, nhổ cỏ và nhặt rác. Với sự hỗ trợ của đội vệ sinh công nghiệp của TLIP, chỉ chưa đầy 3 tiếng, toàn bộ các con đường và lối đi bộ xung quanh TLIP đều đã trở nên văn minh và sạch đẹp.

Hoạt động trách nhiệm xã hội kết hợp cùng TLIP.
Cộng đồng dân cư của 4 xã sống xung quanh khu vực TLIP luôn được đón nhận sự quan tâm đặc biệt từ TLIP. Cùng chung suy nghĩ đó, các công ty thành viên đóng trên địa bàn TLIP đều mong muốn được giúp đỡ cho những người dân sống gần TLIP. Là một thành viên tích cực trong hoạt động Trách nhiệm xã hội của TLIP, hằng năm Sato Việt Nam đều đồng hành cùng TLIP làm khảo sát những mong muốn và nhu cầu của người dân ở 4 xã: Hải Bối, Võng La, Đại Mạch và Kim Chung. Sau đó, chúng tôi cùng nhau xây dựng kế hoạch hoạt động chi tiết cho hoạt động mỗi năm với tôn chỉ ưu tiên hàng đầu cho giáo dục, bảo vệ môi trường và an toàn. Theo thông lệ, một phần của quỹ sẽ được dành riêng để trao học bổng cho ít nhất 50 học sinh tiểu học có hoàn cảnh khó khăn và đạt thành tích cao trong học tập. Phần còn lại sẽ được các thành viên trong ban Trách Nhiệm Xã Hội thảo luận để lần lượt thực hiện các công trình khác nhau, tùy vào mức độ cấp thiết, tính an toàn và đảm bảo sự công bằng giữa các xã. Tiêu biểu là các công trình xây dựng an sinh xã hội trong cộng đồng như dựng mái vòm cho sân trường của trường mầm non xã Võng La; sửa lại con đường đến trường tiểu học Hải Bối; tu sửa lại tường rào cho trường cấp II Kim Chung; lát nền cho sân chơi và mở rộng phòng học, nhà để xe cho trường mầm non xã Đại Mạch. Đặc biệt, trong năm 2019, chúng tôi đã xây dựng một khu thể thao và sân chơi cộng đồng cho người dân ở thôn Bầu và thôn Hậu Dưỡng thuộc xã Kim Chung. Trong ngày khánh thành, người cao niên và trẻ em đều hạnh phúc khi được tập thể thao và chơi đùa trong sân chơi sạch đẹp và an toàn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hỗ trợ các dụng cụ vệ sinh cho cộng đồng như tặng tủ locker cho học sinh trường tiểu học Kim Chung, 20 xe đẩy rác và 20 thùng đựng rác cho xã Hải Bối và xây dựng bãi chứa rác cho xã Võng la.
2018

Giúp đỡ các trẻ sơ sinh có hoàn cảnh đặc biệt tại Khoa Thần Kinh, Bệnh Viện Nhi Trung Ương.
Trẻ em sơ sinh mắc các hiểm nghèo bệnh về thần kinh phải trải qua những cuộc phẫu thuật không chỉ phức tạp mà còn rất tốn kém. Có những cuộc phẫu thuật chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng. Năm 2018, tại khoa Thần Kinh của bệnh viện Nhi Trung Ương có 48 bé là con các gia đình cha mẹ làm nông nghiệp. Vì thế chi phí phẫu thuật cùng các chi phí ăn ở khác dường như vượt ngoài khả năng tài chính của gia đình các bé. Với mong muốn về một thế hệ trẻ khỏe mạnh và hạnh phúc, SVC đã cố gắng để chung tay giúp các bé vượt qua thử thách đầu đời của mình. Công ty nhanh chóng phát động phong trào ủng hộ từ ngày 19 đến ngày 24 tháng 11 năm 2018. Đến ngày 01 tháng 12 năm 2018, đại diện Công ty đã đến trao quà cùng tiền mặt cho 48 bé. Dù món quà chưa nhiều nhưng chứa đựng niềm tin của toàn bộ CNV Sato Việt Nam tiếp thêm động lực cho các bé cùng gia đình chiến thắng bệnh tật.
2016 – 2017

Giúp đỡ các trẻ em nghèo vùng sâu vùng xa ở Miền Bắc Việt Nam.
Nói về trẻ em, mọi người thường liên tưởng đến sự yêu thương, chăm sóc dạy dỗ, giáo dục hay những phút giây nô đùa hạnh phúc. Thế nhưng với những đứa trẻ sống ở vùng sâu vùng xa trên đất nước Việt Nam, những điều kì diệu trên vẫn thật hiếm hoi. Chúng không có đủ thức ăn, không được tận hưởng nền giáo dục đầy đủ như trẻ em thành phố, hay nơi ở không có điện và các phương tiện liên lạc truyền thông. Thậm chí nhiều bé còn thiếu cả sự chăm sóc của cha mẹ. Nếu bạn đã từng đến thăm một trường học ở vùng núi phía Bắc, hẳn bạn sẽ hiểu những điều trên khi tận mắt chứng kiến những khó khăn vất vả của cả thầy và trò để có con chữ cho các bé thơ.
Vì lý do trên, SVC đã lựa chọn chủ đề Nuôi dưỡng tình yêu thương và giáo dục cho trẻ em ở vùng sâu vùng xa miền núi phía Bắc cho hoạt động Trách Nhiệm Xã Hội.
Hằng năm, dựa vào những báo cáo và số liệu từ Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam, SVC sẽ lựa chọn một tỉnh để để thực hiện hoạt động. Ngoài ra, chúng tôi cũng chủ động liên hệ với ban giám hiệu của các trường để tìm hiểu tình hình và nhu cầu thực tế của họ về cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục, y tế và thậm chí cả những đồ dùng giáo cụ cần thiết cho các em học sinh ở mỗi trường.
Mỗi lần như thế, SVC sẽ phát động phong trào ủng hộ gây quỹ từ tất cả công nhân viên. Ngoài ra còn có thêm nhóm tình nguyện là các thành viên tới từ các phòng trong công ty chung tay giúp thực hiện hoạt động.
Ngày 01 tháng 10 năm 2016, Sato đã quyên góp ủng hộ áo ấm mùa đông, sách và tiền mặt để ủng hộ cho các bé ở trường Tiểu học Kiến Thiết thuộc xã Kiến Thiết, huyện Kiên Thành, tỉnh Tuyên Quang.
Ngày 28 tháng 10 năm 2017, Sato đã hỗ trợ dụng cụ học tập, quần áo mùa đông, vở, sách giáo khoa và sách tham khảo cùng bát ăn inox cho các bạn học sinh nội trú của trường cấp I, II Kiên Thành thuộc xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.
2015

Hỗ trợ các bệnh nhân chạy thận nghèo tại Bệnh viện Nông Nghiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Phần lớn các bệnh nhân mắc bệnh thận là những người nghèo và cao tuổi. Trong khi chi phí chữa trị bệnh thận thường cao và vượt ngoài khả năng tài chính của họ. Không những thế, nếu chẳng may mắc phải căn bệnh này, họ sẽ phải trải qua việc chữa trị tới suốt đời. Vì vậy, nếu bạn từng gặp hay chứng kiến việc chữa trị của bệnh nhân chạy thận nào, bạn sẽ thấy thương cảm cho họ vô cùng.
Ở miền Bắc Việt Nam, hầu hết các bệnh nhân nghèo chạy thận đều chữa trị ở bệnh viện Nông Nghiệp thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Lý do là chi phí chữa trị ở đó thường khá rẻ so với các bệnh viện khác. Nhờ sự giúp đỡ của ban lãnh đạo bệnh viện, công ty TNHH Sato Việt Nam đã chọn ra được có 87 ca là những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt để trao quà với hi vọng sẽ giúp những bệnh nhân này có thêm niềm vui và động lực để chiến thắng bệnh tật.
Sato Việt Nam đã phát động công nhân viên công ty xây dựng quỹ ủng hộ từ ngày 24 đến ngày 29 tháng 8 năm 2015. Ngày 12 tháng 9 năm 2015, đại diện công nhân viên và Ban Chấp Hành Công Đoàn công ty đã tới thăm và trao quà cùng tiền mặt cho 87 bệnh nhân trên. Ai cũng cảm động khi nhìn thấy khuôn mặt rạng rỡ của các bệnh nhân và đều cầu mong họ được may mắn và sức khỏe.
2014

Giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật là một trong những truyền thống lịch sử của Việt Nam. Sato cũng đã đóng góp một phần nhỏ vào hoạt động giá trị này. Tiếp nối truyền thống tốt đẹp đó, năm 2014 SVC đã chọn Trường Tiểu học Thượng Cửu cho hoạt động trách nhiệm xã hội của mình. Đây là một xã vùng cao của huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ với 4 dân tộc anh em cùng sinh sống: Mường, Dao, Kinh, Tày. Địa hình bao gồm đồi, núi, suối. Người dân ở các xã rất nghèo, trình độ dân trí thấp. Do gia đình sống phân tán trên đồi núi nên học sinh đi bộ đến trường còn gặp nhiều khó khăn.
Ngày 25 tháng 10 năm 2014, chúng tôi đến trường Tiểu học Thượng Cửu và trao tặng đồ dùng, áo ấm cũ cho các em học sinh. Hi vọng những món quà tuy nhỏ nhưng có thể giúp các em học sinh nơi đây có thêm động lực để học tập tốt hơn.
2013

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt. Ban Chấp hành Công đoàn Công ty kêu gọi toàn thể đoàn viên, cán bộ công nhân viên Công ty TNHH Sato Việt Nam phát huy tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” phát huy tinh thần trách nhiệm của tuổi trẻ với cộng đồng, tích cực tham gia hưởng ứng các đợt quyên góp để giúp đỡ về vật chất & tinh thần, giảm bớt khó khăn cho đồng bào miền Trung.
2012

Năm 2012, chúng tôi thực hiện một số hoạt động từ thiện tại Trung tâm nuôi dưỡng người già và người tàn tật (Thụy An – Ba Vì – Hà Nội), nơi có hơn 155 người già và người tàn tật, 135 trẻ em khuyết tật, 30 trẻ nhỏ mồ côi cha mẹ. Vào ngày 15 tháng 12 năm 2012, Chúng tôi chúng tôi đã đến thăm Trung tâm, làm bạn với các trẻ em ở đây, cùng họ tham gia một số trò chơi. Chúng tôi tặng giường, quần áo, thức ăn và cùng trò chuyện để hiểu mong muốn của con người nơi đây.
Những món quà tuy nhỏ nhưng chứa đựng niềm hy vọng của chúng tôi để họ có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.
2011

Hoạt động trách nhiệm xã hội kết hợp cùng TLIP
Tháng 10 hằng năm, Ban Trách Nhiệm Xã Hội của TLIP sẽ kêu gọi quyên góp từ các công ty trong Khu công nghiệp Thăng Long để trao học bổng và quà cho học sinh giỏi có hoàn cảnh đặc biệt của các trường tiểu học đóng trên địa bàn các xã xung quanh TLIP. Các công ty thành viên trong Ban Trách Nhiệm Xã Hội của TLIP gồm có:
Công ty TNHH Canon Việt Nam
Công ty TNHH Molex Việt Nam
Công ty TNHH New System Việt Nam
Công ty TNHH Nissei Electric Hà Nội
Công ty TNHH Ogino Việt Nam
Công ty TNHH Paker Processing Việt Nam
Công ty TNHH Sato Việt Nam
………………
Năm nay, lễ trao quà lần thứ 6 của Ban Trách Nhiệm Xã Hội TLIP được diễn ra vào ngày 24 tháng 12 năm 2011 tại phòng họp hội thảo lớn của tòa nhà trung tâm Techno của TLIP. Tham dự buổi lễ có các đại diện của công ty TNHH Sato Việt Nam. Ngoài ra, buổi lễ còn có sự góp mặt của ban lãnh đạo TLIP và 36 công ty thành viên khác. Dưới đây là một số hình ảnh trong buổi lễ.
Năm nay, SVC đã đóng góp cho hoạt động Trách Nhiệm Xã Hội kết hợp cùng TLIP. Cùng 36 công ty thành viên, số tiền quyên góp lên đến 247.629.700 VNĐ. Số tiền này được sử dụng để trao học bổng cho 96 em học sinh giỏi, xây dựng đường bê tông cho xã Võng La và dựng mái vòm cho sân trường của trường mầm non xã Đại Mạch.
Hoạt động này thực sự hữu ích giúp chia sẻ gánh nặng tài chính của gia đình các em và khích lệ các em tiếp tục cố gắng phấn đấu học tập cho tương lai. SVC đã nỗ lực tham gia cùng Ban bởi đây là hoạt động đóng góp cho xã hội mà Sato Việt Nam luôn hướng đến để chia sẻ trách nhiệm của mình với cộng đồng.

Hỗ trợ đồng bảo dân tộc thiểu số nghèo của Xã Lạc Sỹ, Huyện Yên Thủy, Tỉnh Hòa Bình.
Hoạt động Trách Nhiệm Xã Hội đã trở thành một hoạt động thường niên của Sato Việt Nam kể từ khi được thành lập.
Nối tiếp hoạt động Trách Nhiệm Xã Hội được phát động bởi Công ty TNHH KCN Thăng Long (TLIP), với sự đóng góp của Sato Việt Nam và 36 công ty thành viên, TLIP đã hỗ trợ cho các gia đình liệt sĩ, gia đình nghèo, nạn nhân chất độc màu da cam, người tàn tật và trao học bổng cho các xã xung quanh TLIP.
Năm nay phòng Nhân Sự kết hợp cùng Ban Chấp Hành Công Đoàn phát động phong trào “lá lành đùm lá rách” (giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn) để quyên góp cho đồng bào dân tộc thiểu số của thôn Hà 1 và thôn Hà 2, thuộc xã Lạc Sỹ, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình. Cách trung tâm Hà Nội 150 km, Hòa Bình là một tỉnh miền núi Tây Bắc Việt Nam, với dân cư gồm 6 đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đồng bào dân tộc Mường chiếm 70%. Cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn vì thế SVC quyết định chọn Hòa Bình để thực hiện hoạt động CSR.
Đồ quyên góp được gồm có sách vở, quần áo, gạo và tiền mặt. Từ số tiền quyên góp, SVC đã mua gạo và chăn. Tất cả đồ sau đó được đóng gói cẩn thận và trao tận tay cho các gia đình nghèo của hai thôn Hà 1 và Hà 2 của xã Lạc Sy trong ngày 03 tháng 12 năm 2011.
Sau chuyến đi dài 4h, đoàn tình nguyện cũng đến được xã Lạc Sỹ lúc 12h trưa. Sự đón tiếp nồng nhiệt của người dân đã giúp đoàn tình nguyện xua tan mệt mỏi.
Dẫu biết giá trị của món quà chưa nhiều, nhưng những khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc của mỗi người dân như tiếp thêm động lực để chúng tôi tiếp tục những hoạt động khác cho những người kém may mắn xung quanh mình.